Nhiều người không dám nói cười thả phanh do hơi thở có mùi. Một số thực phẩm sẽ giúp bạn không phải “ngậm tăm” như vậy, chẳng hạn như rau mùi, sữa chua, cà rốt, táo…
Nguyên nhân của bệnh hôi miệng thuộc 2 nhóm chính: vệ sinh miệng kém hoặc bệnh dạ dày, đường ruột. Những việc bạn nên làm nhất là ăn uống hợp lý (nhiều hoa quả và rau, uống nhiều nước) và đánh răng sau ăn. Nhưng có phải lúc nào bạn cũng đánh răng ngay được ngay sau bữa ăn đâu. Một số thức ăn sẽ cứu bạn:
Một số loại cỏ cây, thảo mộc có khả năng “chiến đấu” với mùi trong hơi thở rất tốt như rau mùi, lá bạc hà, khuynh diệp lá, lá hương thảo và bạch đậu khấu. Bạn có thể dùng một chút thảo mộc dưới dạng lá tươi, hoặc trà ấm. Những loại thảo mộc này cũng giúp cho tiêu hóa tốt nữa.
Sữa chua được chứng minh là làm giảm lượng hydro sunfur gây mùi trong miệng, với liều lượng một hộp mỗi ngày. Nó cũng làm giảm lượng vi khuẩn trong miệng, thậm chí cũng làm giảm cả những bệnh về lợi và mảng bám răng.
Ngoài ra, lượng vitamin D từ sữa chua và phomát cũng giúp giảm nỗi lo về chứng hôi miệng. Loại vitamin này tạo ra một môi trường không thân thiện đối với vi khuẩn. Nhưng nếu bạn ăn sữa chua hằng ngày, hãy nhớ chọn loại không quá nhiều đường.
Các loại rau quả giòn như táo, cà rốt, cần tây (nói chung là những loại rau quả giàu chất xơ) nên có trong mỗi bữa ăn để chống hôi miệng. Các mảng bám răng gây ra mùi trong miệng, và các thực phẩm này làm tăng tiết nước bọt, giúp miệng bạn giữ được ẩm và sạch hơn.
Kẹo cao su không đường không thay thế được cho việc đánh răng sau bữa ăn; nhưng nếu cần thiết, nó có thể làm hơi thở của bạn được cải thiện ngay lập tức. Đó cũng là một cách tăng tiết nước bọt. Kẹo cao su bạc hà cũng tốt, nhưng nếu dùng loại có đường thì chính đường lại tạo ra mảng bám răng.
Cam quýt, dưa vàng, dâu và những thực phẩm giàu vitamin C đều tạo ra môi trường không thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Bữa ăn nhiều vitamin C cũng quan trọng để phòng bệnh viêm lợi – một nguyên nhân chủ yếu gây ra mùi trong hơi thở.
Theo Sinh viên Việt Nam