Về nguyên nhân, 90% bệnh hôi miệng thuộc về răng miệng, còn lại có liên quan đến bệnh nội khoa.
Các nguyên nhân thường gặp:
- Răng sâu: Trong miệng có nhiều lổ sâu răng chưa được chữa, làm cho thức ăn nhét vào, vi khuẩn lên men thối làm hơi thở hôi.
- Nha chu viêm: Trong miệng có nhiều vôi răng , nướu răng bị viêm. Nếu bệnh nha chu ở giai đoạn nặng, răng lung lay, kẻ hở giữa các răng nhiều, thức ăn nhét vào làm hơi thở bị hôi.
- Răng giả không đúng kỹ thuật: Mão răng hay cầu răng làm bị rộng, hở vùng cổ, làm cho chất dơ và mảnh vụn thức ăn nhét vào sẽ làm răng có mùi hôi. Ngoài ra còn phải kể thêm lỗ sâu dưới nưới và bên trong mão răng (làm sai kỹ thuật) làm cho răng có mùi hôi.
- Viêm nhiễm gốc răng: Những răng sâu bể, chết tủy và nhiễm trùng gốc răng tạo nên nang răng và lỗ dò nướu răng, có mủ chân răng cũng làm răng bị hôi.
- Các bệnh về TMH thường gặp cũng ảnh hưởng đến vùng miệng làm cho hơi thở hôi như: Viêm họng hạt, viêm amidan (Tonsilitis), viêm xoang mũi, viêm xoang hàm.
- Viêm xoang mũi
- Ung thư vòm miệng: nhất là ung thư vòm miệng (Cavum carcinoma), ung thư thực quản và thanh quản sẽ làm bội nhiễm nên hơi thở có mùi hôi.
- Các bệnh về đường tiêu hóa, dư axít, dạ dày viêm loét cũng làm hơi thở có mùi hôi.
- Viêm nướu hoại tử cấp tính (trench mouth) và bệnh noma: Có thể nguy hiểm đến tính mạng, làm cho miệng hôi và phải điều trị với kháng sinh liều cao
Hễ hơi thở có mùi khó chịu thì thông thường người ta hay nghĩ ngay đến nguyên nhân từ răng, miệng. Số còn lại thường kết tội cho dạ dày vì tiêu hóa trục trặc sao đó nên uế khí dội ngược lên trên.
Tất nhiên, hơi thở khó trong lành nếu răng không sạch sau bữa ăn hay viêm nha chu thường xuyên. Không sai nếu nói là răng đứng hàng đầu trên bảng thủ phạm làm hơi thở có mùi khó chịu nhưng không hẳn lúc nào cũng đúng.
Bằng chứng là không thiếu người chịu khó đến nha sĩ nhiều lần, cũng không hề đau bao tử, cũng không rối loạn tiêu hóa dưới dạng đầy bụng ợ hơi nhưng vẫn khổ tâm mỗi lần phải mở miệng.
Đừng quên là hôi miệng do nguyên nhân ở dạ dày, như trong hội chứng trào ngược, chiếm tỉ lệ rất thấp, thậm chí đứng sau bệnh bội nhiễm vùng lân cận như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa…
Đáng tiếc vì nếu chuyện gì cũng vơ đũa cả nắm rồi đổ tội cho vi khuẩn trong miệng thì nhầm. Vi khuẩn trong vùng hầu họng cũng có loại tốt, loại xấu. Đặc biệt là các chủng sống trên lưỡi có công năng ngăn chặn các loại “tà” khuẩn.
Nếu vì lý do nào mà phe “chính phái” bị đánh tả tơi do một số thói quen xấu của gia chủ, như kéo hơi vào quá thường bằng đường miệng vì nhai kẹo cao su, vì nói nhiều, nói trong khi ăn, lạm dụng thuốc kháng sinh và nhất là hút thuốc thì lực lượng vi khuẩn phe ta không còn đủ sức trấn áp thành phần nấm mốc bao giờ cũng có sẵn trong miệng, chực chờ cơ hội. Đừng nghe hai tiếng vi khuẩn rồi ghê, phản ứng lên men của nấm mốc mới thực sự là nguyên nhân gây hôi miệng vừa ác liệt vừa khó chữa.
Đáng tiếc hơn nữa là nhiều người chưa biết hậu cứ kín đáo của đám nấm mốc chuyên nghề “thừa nước đục thả câu” ở vùng đáy lưỡi. Đánh răng nhiều lần trong ngày, dùng chỉ chải khe răng đúng y lời dạy của nha sĩ mà quên vùng này thì tiền mất tật mang là cái chắc. Thực ra thì giải pháp rất đơn giản, đó là:
– Mỗi ngày 2 lần (sáng, tối) dùng cây cạo lưỡi làm sạch vùng đáy lưỡi một cách nhẹ nhàng.
– Đừng quên ăn sáng để mượn nước bọt kéo sạch rác rến trong miệng, cũng đừng quên đánh răng thật sạch sau đó.
– Uống nước cho đủ trong ngày vì nấm mốc chỉ đợi thời cơ thiếu nước bọt là tấn công.
– Nhai ngay chút ngò rí sau khi ăn tỏi, hành, mắm…
– Súc miệng cho sạch sau khi uống cà phê.
– Súc miệng mỗi sáng với một muỗng canh dầu ăn.
– Súc miệng mỗi tối với nước trà pha chút tinh dầu cây thuốc, loại nào cũng được miễn dùng xong thấy dễ chịu.
BS Lương Lễ Hoàng