Nguyên nhân gây hôi miệng có rất nhiều, nhưng 70% trường hợp là do răng miệng. Bệnh ở răng miệng sinh mùi hôi do vi khuẩn kỵ khí (bình thường cư trú nhiều trong miệng) phân hủy các axit amin hoặc axit béo tự do trong khoang miệng (ví dụ thức ăn thừa, nước bọt, tế bào miệng), tạo thành các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (mùi hôi).
Cần tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng từ nhỏ.
Để xác định nguồn gốc của mùi hôi, có thể cho trẻ bịt mũi, ngậm miệng, ngừng thở vài giây rồi mở miệng và vẫn không thở. Nếu mùi xuất hiện thì thủ phạm chính là răng miệng. Còn nếu mùi lạ xuất hiện khi bịt mồm, thở ra ngoài qua lỗ mũi, thì nguyên nhân là ngoài miệng.
Kiểm tra răng, lợi xem có răng sâu, răng mọc lệch để điều trị triệt để. Tốt nhất nên đến nha sĩ để được khám và điều trị đầy đủ.
Tăng cường vệ sinh răng miệng: đánh răng đúng cách, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ, cạo sạch bẩn ở lưỡi, có thể dùng thêm dung dịch sát trùng miệng.
Giảm bớt các gia vị như tỏi, hành, cari,… trong chế biến các món ăn.
Cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi đi ngủ để làm giảm mùi khi thức dậy.
Các nguyên nhân ngoài miệng: viêm mũi, viêm xoang, viêm amiđan có hốc, u ở mũi họng (bệnh mũi, họng), viêm phế quản, viêm phổi (bệnh phổi), trào ngược dạ dày – ruột, thoát vị bẹn (bệnh đường tiêu hóa)
Ngoài ra, một số bệnh, thường kèm theo các triệu chứng gây mùi trong hơi thở: tình trạng nhiễm toan và tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tạo nên các mùi xêton. Bệnh nhân suy gan, hơi thở có mùi hôi đặc trưng. Do vậy, muốn biết hôi miệng do nguyên nhân gì, cách khắc phục thế nào bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị.
BS. ĐOÀN VĂN HẢI
Theo: SKDS