Nếu lợi của bạn bị sưng đỏ, đau và thường chảy máu khi đánh răng thì đây có thể chính là dấu hiệu của bệnh viêm nướu thường gặp trong thai kỳ. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì có đến một nửa số phụ nữ mang thai gặp phải triệu chứng này.
Chứng viêm lợi do 2 nguyên nhân chính gây ra: Thứ nhất, do sự gia tăng hàm lượng hooc môn progesterone trong cơ thể phụ nữ mang thai, khiến nướu trở nên nhạy cảm hơn với những vi khuẩn trong mảng bám. Thứ hai, lợi bị sưng là do lượng máu dồn lên miệng tăng.
Không chỉ sưng đỏ, đôi khi lợi của bạn cũng có thể nổi lên những cục u nhỏ lành tính, nhưng sẽ chảy máu mỗi khi bạn đánh răng. Tuy nhiên, trường hợp này là rất hiếm. Loại u hạt này được gọi với những cái tên như khối u mang thai hoặc u hạt sinh mủ- nghe có vẻ đáng sợ nhưng lại không đau và vô hại. Thực tế, cục u này có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng thường xuất hiện ở miệng nhiều hơn, và ở chính ngay chỗ lợi bị viêm.
Thông thường, u hạt này sẽ tự mất đi sau khi bạn sinh em bé, nhưng nếu nó không tự mất, bạn sẽ phải thực hiện một phẫu thuật nhỏ cắt bỏ nó đi. Và nếu khối u này gây khó chịu cho bạn trong việc đánh răng cũng như nhai thức ăn, bạn có thể cắt bỏ ngay khi đang mang thai.
Bà bầu cần quan tâm chăm sóc răng miệng.
Các bệnh về nướu có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai bị nướu răng nặng có thể làm tăng nguy cơ sinh non và tiền sản giật. Tuy nhiên theo như kết quả của những cuộc nghiên cứu lớn hơn và được thực hiện gần đây, trong đó có nghiên cứu thực hiện năm 2009 và được đăng trên Tạp chí American Journal of Obstetrics & Gynecology (tạm dịch là Tạp chí Sản khoa), những biến chứng của thai kỳ không liên quan gì đến bệnh răng miệng.
Tuy nhiên, dù thế nào thì vấn đề chăm sóc răng miệng trong thời kì bầu bí vẫn rất quan trọng. Nếu bệnh viêm lợi không được điều trị kịp thời có thể phát triển thành bệnh nha chu (viêm quanh răng), khi đó sự viêm nhiễm sẽ đi qua lợi vào đến tận xương và các mô khác hỗ trợ xung quanh răng.
Phải làm gì để phòng tránh các bệnh về răng lợi?
Việc phòng ngừa quan trọng hơn điều trị. Bạn có thể làm theo những hướng dẫn dưới đây:
– Đánh răng kỹ những nhẹ nhàng ít nhất 2 lần/ ngày (sau mỗi bữa ăn nếu có thể), sử dụng kem đánh răng có chất florua và bàn chải lông mềm.
– Dùng chỉ nha khoa hàng ngày
– Gặp gỡ nha sĩ thường xuyên hơn: Nha sĩ sẽ giúp bạn loại bỏ sạch các mảng bám mà việc đánh răng không thể lấy đi được. Đừng quên thông báo cho bác sĩ biết bạn đang mang thai và tuổi thai của bạn. Nếu gặp phải bất cứ vấn đề nào về răng lợi, bạn có thể phải đi thăm khám thường xuyên hơn.
– Điều trị không được chậm trễ: Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng thuốc gây tê tại chỗ Novocaine và một số thuốc kháng sinh khác được cho là an toàn với thai phụ.
Khi nào thì nên đi khám nha sĩ?
Bên cạnh việc chăm sóc và kiểm tra răng miệng thường xuyên, bạn nên đến phòng khám nha khoa ngay nếu phát hiện thấy có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
– Đau răng
– Lợi thường xuyên đau và chảy máu
– Những dấu hiệu khác của bệnh nướu răng như lợi sưng đau, tụt lợi, hơi thở có mùi, răng lung lay
– Xuất hiện những cục u trong miệng (Ngay cả khi chúng không gây đau thì bạn cũng nên đi khám).
Theo Babycenter