Cha mẹ không nên quá lo lắng khi con mình mút ngón tay. Đa số trẻ thường ngưng mút ngón tay trước 4 – 5 tuổi, không cần phải điều trị gì. Nếu trẻ vẫn tiếp tục duy trì thói quen này, cần cân nhắc thời điểm điều trị, thời điểm thích hợp là từ 4 – 6 tuổi, trước khi răng vĩnh viễn mọc. Với những trẻ vừa trải qua stress hoặc những thay đổi lớn trong cuộc sống (chuyển nhà, chuyển trường…) thì nên trì hoãn điều trị. Nếu cha mẹ và trẻ không muốn điều trị thì không nên cố
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như: thảo luận, nhắc nhở, khen thưởng và các khí cụ phức tạp. Thảo luận: giải thích cho trẻ biết tác dụng không tốt của mút ngón tay, ảnh hưởng của mút ngón tay đến hàm răng và khuôn mặt của trẻ như thế nào, có thể cho trẻ xem hình ảnh minh họa để trẻ hiểu rõ hơn. Cần giải thích cho trẻ biết hành vi mút ngón tay là một hành vi không lịch sự khi giao tiếp cần phải bỏ. Khi hiểu ra trẻ có thể chủ động bỏ dần thói quen này, nhất là trẻ lớn có hiểu biết.
Để nhắc nhở trẻ chúng ta có thể dán miếng băng keo không thấm nước hoặc quấn vải vào ngón tay trẻ thường mút hay cho trẻ đeo bao tay. Nếu các biện pháp trên đều thất bại và trẻ thật sự muốn bỏ thói quen, dùng băng chun cuốn vào khuỷu tay ban đêm làm tay trẻ không thể cử động thoải mái để cho ngón tay vào miệng được. Cần giải thích cho trẻ hiểu đó không phải là hình phạt mà chỉ giúp trẻ bỏ thói quen xấu. Tổng thời gian điều trị là 6 – 8 tuần, nên khen thưởng kịp thời để khích lệ trẻ.
Khí cụ trong miệng: tùy theo tuổi, hệ răng và sự hợp tác của trẻ mà chọn khí cụ cố định hay tháo lắp cho phù hợp. Khi trẻ chỉ có răng sữa hay ở giai đoạn đầu của hệ răng hỗn hợp, răng vĩnh viễn chưa mọc lên hoàn toàn sẽ khó đặt móc của khí cụ tháo lắp. Khí cụ tháo lắp dễ thực hiện và điều chỉnh, tránh cho trẻ cảm giác bị trừng phạt khi phải mang hàm cố định nhưng lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của trẻ. Các khí cụ trong miệng làm cho mút tay từ vô thức thành có ý thức giúp trẻ bỏ được mút tay, làm cho miệng không kín hơi khiến trẻ không mút tay được. Chúng còn giúp răng xếp lại đúng vị trí, trẻ có cảm giác có kết quả và thành công nên càng mong muốn bỏ mút tay.
Cần lưu ý không tạo áp lực cho trẻ, không để trẻ ở trạng thái lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, cần giải quyết những vấn đề này trước, tránh làm tình trạng mút ngón tay trầm trọng hơn. Hướng cho trẻ tham gia vào các hoạt động, các trò chơi khác để quên đi thói quen này.
Theo Nha Khoa Happy