Sức khỏe răng miệng và sức khỏe cơ thể có sự liên quan khá mật thiết. Vệ sinh răng miệng đúng cách và sức khỏe răng miệng tốt sẽ giúp cải thiện sức khỏe toàn cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng và cả duy trì trí nhớ tuổi già.
1. Tăng cường sự tự tin
Các bệnh về nướu lợi và sâu răng thường không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn tạo ra hơi thở hôi – ảnh hưởng tới sự tự tin.
Nếu răng miệng sạch, không bệnh tật, chất lượng cuộc sống cũng sẽ tốt hơn – bạn có thể ăn mọi thứ, ngủ ngon hơn và tập trung cho công việc, không bị “quấy rối” bởi đau răng hay viêm miệng.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Các viêm nhiễm mãn tính ở lợi liên quan với các bệnh tim mạch như bệnh tim, nghẽn mạch máu và đột quỵ.
Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy duy trì sức khỏe răng miệng sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh nghiêm trọng và nâng cao thể trạng.
3. “Bảo quản” trí nhớ
Những người bị viêm lợi, nướu (lợi sưng, chảy máu) thường có trí nhớ kém hơn và các kỹ năng nhận thức cũng kém hơn những người mà có sức khỏe răng miệng tốt hơn, theo báo cáo đăng tải trên tạp chí Neurology, Neurosurgery & Psychiatry.
Những người có bệnh răng miệng cũng diễn đạt kém hơn (do khả năng “lôi” từ chậm hơn) và tính toán cũng chậm chạp – 2 kỹ năng vốn được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Răng sạch, bệnh giảm, Y tế – thiết bị, Răng,chăm sóc răng,nướu,bệnh,sức khỏe
Chế độ ăn cân bằng, đi khám định kỳ răng miệng và vệ sinh răng miệng tốt sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ sâu răng và các bệnh nướu lợi… (Ảnh minh họa)
4. Giảm nguy cơ viêm nhiễm
Sức khỏe răng miệng kém còn liên quan với sự gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong một nghiên cứu, những bệnh do vệ sinh răng miệng kém và những bệnh bao quanh chân răng liên quan với chứng viêm phổi ở người già. Vi khuẩn trong miệng có thể “chu du” xuống phổi, gây viêm và làm cho các bệnh ở phổi nặng hơn.
Một nghiên cứu khác cho thấy sự liên quan giữa bệnh nướu lợi với viêm thấp khớp, một dạng bệnh tự miễn dịch mà gây ra viêm các khớp. Các chuyên gia cho biết, chất hóa học phá hủy sự kết nối giữa các khớp được sinh ra từ quá trình viêm nướu lợi.
Chế độ ăn cân bằng, đi khám định kỳ răng miệng và vệ sinh răng miệng tốt sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ sâu răng và các bệnh nướu lợi. Luôn chải răng ít nhất 2 lần/ngày và dùng chỉ tơ nha khoa. Dùng nước xúc miệng kháng khuẩn hay kem đánh răng giúp giảm thiểu tình trạng vi khuẩn trong miệng.
5. Duy trì đường huyết ổn định nếu bị tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường cũng thường bị các bệnh nướu lợi. Bệnh tiểu đường thường làm khả năng chống chọi với vi khuẩn của cơ thể trở nên kém hơn, trong đó có các viêm nhiễm, bao gồm cả viêm lợi… từ đó dẫn tới các bệnh nướu lợi nghiêm trọng.
Một số chuyên gia nhận thấy những người có bệnh tiểu đường sẽ mắc các bệnh ở nướu lợi nặng hơn những người bình thường. Và kéo theo đó là việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.
Giảm nguy cơ viêm nướu lợi bằng cách bảo vệ sức khỏe răng miệng sẽ giúp kiểm sóa được mức đường huyết ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
6. Giúp thai phụ sinh con đủ tháng đủ ngày
Những phụ nữ bị mắc bệnh nướu lợi trong thời kỳ mang thai thì dễ sinh non và sinh trẻ nhẹ cân. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều công nhận sự liên quan này nhưng duy trì sức khỏe răng miệng sẽ tốt hơn cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Vì thế, nếu đang mang thai, hãy đi khám nha sĩ thường xuyên.
Theo Dân trí