Sún răng là bệnh làm tiêu dần răng sữa của trẻ thường từ 1 – 3 tuổi. Răng cửa hàm trên hay mắc hơn cả. Bắt đầu là một chấm nâu rồi đen ở mặt ngoài. Răng dần dần mủn và tiêu đi, không đau nhức, chỗ bị sún chỉ nông chứ không sâu như lỗ răng sâu, lâu dần chỉ còn những mỏm răng gần tụt xuống lợi làm chân răng nằm sát với lợi, rất cứng, đen bóng.
Nguyên nhân sún răng chưa thật rõ ràng. Người ta cho rằng phần lớn do thiếu vitamin C hoặc những thành phần dinh dưỡng khác. Thường trẻ sún răng không kêu đau và chân răng còn lại có thể giữ mãi như thế cho đến lúc răng vĩnh viễn mọc lên thay thế. Một điều yên tâm là bệnh sún răng không bao giờ ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn. Vì vậy không cần nhổ răng sún mà chỉ cần giữ vệ sinh răng miệng, ngậm và súc miệng nước muối loãng.
Chú ý: Cho trẻ ăn đủ chất và uống thêm nước quả tươi hoặc vitamin C để giúp răng trẻ khỏi bị sún. Những trẻ răng sún nếu nhổ bỏ sớm sau này răng vĩnh viễn mọc sẽ bị xô lệch khểnh hoặc vẩu răng.
BS. Trần Mạnh Toàn
Theo sức khỏe đời sống